Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Cuộc chiến không cân sức !

A.W.Surveys - Get Paid to Review Websites!

1. Hôm qua, người chị họ của tôi chạy ào đến, khóc nức nở. Hỏi mãi chị mới cho hay con gái chị, mới 17 tuổi, hẹn hò với một bạn chat, một người lạ trên mạng, đi suốt đêm không về. Tôi cũng có con gái, con tôi 17 tuổi. Thấy chị khóc mà nước mắt tôi cũng rớt theo. Từ bao giờ Internet và các phương tiện truyền thông khác làm điêu đứng các bậc cha mẹ có con cái tuổi vị thành niên vậy?

Có thể khẳng định một điều rằng từ khi có mạng Internet, cuộc sống chúng ta đã thay đổi chóng mặt. Nhờ có Internet, người ta với một cái click chuột là có thể mở ra cả thế giới thông tin, có thể gửi thư và nhìn thấy bạn cũ ở cả nửa vòng trái đất, có thể gửi hàng tá tài liệu cho đối tác mà không cần cả giấy tờ, có thể họp hành, đấu thầu trực tuyến mà không cần tới cơ quan. Nhưng với tất cả phụ huynh có con ở độ tuổi từ 5-18 tuổi, cảm giác hoang mang lo lắng trước tác động quá lớn của Internet đối với những đứa con thân yêu của mình là không tránh khỏi.

Một chị cùng cơ quan tôi có cô con gái tuổi 16 rất hay chat trên Facebook. Chị la rầy, cấm đoán cũng vô ích. Có mặt chị ở nhà, con gái dùng vi tính cho việc tra cứu thông tin. Nhưng nhờ phần mềm theo dõi, chị đọc được những đoạn chat mùi mẫn của nó với một “gã kỹ sư” nào đó mang nick hiepsimatbuon. Con gái xin đi chơi với bạn cùng lớp buổi tối chị không bao giờ cho phép.

Nhưng không lẽ cấm con giao du với bạn bè nên khi cháu xin đi coi phim những ngày chủ nhật chị phái chồng bí mật theo sau xem nó có đi hẹn hò với gã trai lạ làm quen trên mạng không. Chồng bận việc, chị phải nhờ bác xe ôm trong xóm làm “thám tử tư”. Nghĩ ra thật khổ tâm, mẹ con mà không cởi mở được. Bạn bè trách chị lạc hậu quá, khe khắt quá nhưng có con gái lớn chị chỉ sợ có ngày những kẻ con quen trên mạng dụ dỗ, bán nó ra nước ngoài như trên báo chí thường thông tin. Nghe chị kể, tôi hoang mang tự hỏi sự che chắn ấy sẽ kéo dài tới bao giờ?

2. Con cái tôi không phải hoàn toàn vô can trước tác hại của truyền thông dù tôi và chồng đã hết sức chú ý chuyện dạy con. Con gái lớn của tôi dùng tiền riêng để mua những cái áo phô diễn hết da thịt, những cái quần không thể ngắn hơn. Tôi khuyên giải, con không nghe, biện minh rằng người mẫu nào đó bằng tuổi nó mặc những quần lót nhỏ xíu chụp đưa lên Facebook, hay một cô người mẫu nào đó khỏa thân hoàn toàn để bảo vệ môi trường.

Chồng tôi tình cờ nghe được mẩu đối thoại gay gắt của hai mẹ con đã cầm kéo cắt nát hết lô quần áo thuộc loại “bảo vệ tầng ôzon” của con và tuyên bố phạt con một tháng không có tiền quà bánh. Dĩ nhiên con tôi sẽ đi mượn tiền bạn bè và nó không sợ hình phạt của cha nó. Tối đó, chồng tôi cài ngay phần mềm theo dõi và cài cả password cho máy vi tính. Nhưng tôi độ rằng con tôi cũng sẽ tìm cách trốn ra các tiệm net đang bủa vây cái xóm nhỏ của tôi. Sự che chắn bảo vệ đứa con gái mới lớn mà vợ chồng tôi thực hiện xem ra hết sức ngô nghê và vô ích.

Chuyện động trời hơn, con trai thứ hai của tôi mới học lớp 9, cách đây ba ngày nó mang về bốn đĩa phim “cấp 3”, khoe rằng hầu hết con trai trong lớp đã xem rồi, chúng tải trên mạng xuống và chúng còn cho rằng “con chưa coi thì con chưa phải bản lĩnh đàn ông”. Lần này chồng tôi phải gặp cô chủ nhiệm trao đổi và kết quả là con trai tôi bị cả tập thể nam trong lớp gọi một tên mới khá hay ho “kẻ phản bội mặt trắng” (!)

3. Nỗi khổ hầu như triền miên của các bậc cha mẹ thời nay chính là thấy “mất con” cho Internet. Chúng ngồi như dính keo hàng giờ trước máy vi tính, nhoay nhoáy nhắn tin trên iPhone, chơi trên iPad, laptop mà không mảy may quan tâm tới đời sống xung quanh.

Chúng có thể biết một thành viên ban nhạc Hàn đang lưu diễn tận trời Tây nhức đầu, hắt hơi nhưng người hàng xóm bên nhà bệnh thập tử nhất sinh chúng không quan tâm. Chúng có thể xuýt xoa ngưỡng mộ một ngôi sao điện ảnh của Mỹ mua cái túi xách 5-7 ngàn đôla nhưng hoàn toàn không nghĩ tới cảnh mẹ cha chạy vạy cơ cực như thế nào để chúng có một hai triệu đồng đóng tiền học đầu năm trong thời bão giá.

Ông bà nội ngoại lặn lội từ quê lên thăm con cháu một năm vài lần, đò xe cơ cực nhưng chúng không có lấy một vài giờ trò chuyện, pha cho ông bà ly nước cam, hay bóp cho ông bà bờ vai mỏi nhừ vì tuổi tác. Chúng vô cảm một cách hồn nhiên với chính những người thân yêu nhất.


Vâng, không thể không đau lòng khẳng định thời gian mà con cái dành cho Internet hầu như chôn vùi những nỗ lực gần gũi và dạy dỗ của những bậc cha mẹ có tâm nhất. Internet với tất cả những mới mẻ, hấp dẫn đã khiến hầu hết trẻ vị thành niên và thành niên trở nên “khép cửa” với thế giới thực của chính mình... Cuộc chiến của chúng tôi với ảnh hưởng của những tiện ích thời công nghệ cao lên con cái mình xem ra giống cuộc chiến với cối xay gió của chàng Don Quixote, một cuộc chiến hoàn toàn đơn độc và không cân sức...

Theo Người đưa tin


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét